Bạn đang xem bài viết Bệnh ngón tay cò súng: Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị tại tinnuocnhat.com bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Nếu bạn đang làm công việc như đánh máy, thợ may hoặc bất kỳ công việc nào phải nắm chặt tay lặp đi lặp lại mà cảm thấy đau nhức, khó duỗi thẳng ngón tay rất có thể bạn đang mắc bệnh ngón tay cò súng. Vậy bệnh ngón tay cò súng này là gì, có nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa như thế nào? Hãy cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Ngón tay cò súng là gì?
Ngón tay cò súng (ngón tay bật) là tình trạng ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của một hoặc nhiều gân trên bàn tay gây khó khăn trong việc duỗi ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái.
Bình thường, gân di chuyển trong bao gân gây ra chuyển động xương và cơ, khi tình trạng viêm xảy ra ở bao gân, khiến cho gân bị mắc kẹt trong bao gân, làm cho ngón tay khó khăn trong việc di chuyển, cứng ở vị trí cong, gây nên tư thế giống như kéo cò súng.
Ngón tay cò súng là tình trạng viêm bao gân
Dấu hiệu của bệnh
- Cứng ngón tay, đặc biệt hay xảy ra vào buổi sáng.
- Bạn sẽ có cảm giác bật hoặc xuất hiện tiếng lách cách khi di chuyển ngón tay.
- Sưng ở gốc ngón tay (vùng gần bàn tay), có thể sờ thấy nốt sần ở vùng này.
- Ngón tay rất khó duỗi thẳng. Nếu duỗi thẳng được thì luôn đột ngột bật thẳng.
- Có thể phải nhờ đến người khác để duỗi thẳng ngón tay ra.
- Triệu chứng ban đầu nhẹ, tăng dần theo thời gian, giai đoạn nặng có thể xảy ra ngón tay cò súng khi nghỉ ngơi.
- Người lớn thường gặp ở ngón giữa, trẻ em hay gặp ở ngón cái.
Cần phải có người hỗ trợ kéo ngón tay về trạng thái bình thường
Nguyên nhân gây ra ngón tay cò súng
Bẩm sinh: bác sĩ phát hiện ra khi để tầm soát các dị tật, bao gồm cả tật bật ngón và trật khớp háng bẩm sinh.
Chấn thương: có thể có một chấn thương rõ ràng hoặc các vi chấn thương (không gây ra chấn thương có thể nhìn bằng mắt thường nhưng việc hoạt động sử dụng nhiều 2 bàn tay, thường xuyên phải gồng sức các ngón tay lâu dần sinh ra chấn thương).
Mắc phải: xảy ra không do bẩm sinh hoặc chấn thương.
Di truyền: rối loạn nhiễm sắc thể Trisomy 18, gây tật bật ngón, gặp ở nhiều ngón cái và thường xảy ra 2 bên.
Yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh:
- Nghề nghiệp: phải sử dụng nhiều 2 bàn tay, gồng sức các ngón tay…
- Một số bệnh lý: tiểu đường, viêm khớp dạng thấp.
- Giới tính: hay gặp ở nữ.
Người hay sử dụng ngón tay có nguy cơ cao mắc bệnh
Triệu chứng của bệnh
Bệnh thường xuất hiện ở ngón 1 và ngón 4. Tuy nhiên, tất cả các ngón tay đều có khả năng bị ngón tay cò súng vì mỗi ngón đều có 1 bao gân riêng. Thông thường bệnh diễn tiến qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Thường có biểu hiện viêm, đau khi vận động ngón tay là chủ yếu, không có hiện tượng kẹt ngón, có thể kèm theo sưng nhẹ ở ngang mức khớp bàn ngón tay. Khi ấn vào vị trí này bệnh nhân sẽ rất đau. Nếu bệnh nhân tự ý thoa bóp dầu nóng, hay rượu cồn…sẽ kích thích hiện tượng viêm bùng phát dữ dội hơn, và sẽ gây đau nhiều hơn.
Giai đoạn 2: có thể sờ thấy có một chỗ u (nốt gân) lồi lên ở mặt lòng bàn tay ngay chỗ ngón bị đau, thấy rõ nhất khi gập ngón tay lại hoặc duỗi thẳng ngón tay ra. Khi cố gắng gập ngón tay lại hoặc duỗi ra, ngón tay sẽ bật ra như lò xo hoặc bất ngờ gập mạnh lại như tư thế bóp cò súng. Ngón tay thường có khuynh hướng cứng hoặc kẹt sau khi mới ngủ dậy vào buổi sáng, sau một lúc vận động thì ngón tay mềm ra.
Giai đoạn 3: Nếu không được điều trị thì nó trở nên nặng hơn, bạn phải dùng lực của bàn tay khác để kéo ra khi ngón tay đó bị kẹt. Trong trường hợp nặng thì ngón tay không thể gập vào được nữa ngay cả khi có sự trợ giúp vì nếu cố gắng dùng tay kia để đẩy gập vào sẽ rất đau.
Ngón tay cứng, đau
Biến chứng nguy hiểm
Ngón tay “nhấp chuột” liên tục
Do ngón tay bị kẹt nên sẽ ở tư thế cong, không thể duỗi thẳng được giống như tư thế ngón tay ấn vào chuột. Việc hoạt động quá lâu ở một động tác gây ra tình trạng run ngón tay tạo thành tình trạng như ngón tay “nhấp chuột” liên tục.
Ngón tay giống như nhấp chuột
Giảm khả năng chuyển động
Gân bị kẹt ở bao gân, ngón tay không thể di chuyển như bình thường, không thể gập tối đa cũng như không thể duỗi tối đa nên giảm mức độ chuyển động của các ngón tay. Nếu cố tình chuyển động có thể gây đau.
Giảm khả năng chuyển động
Sưng, đau, tê cứng ngón tay
Do tình trạng viêm ở các gốc ngón tay nên sẽ gây nên tình trạng sưng và viêm ở các gốc ngón tay. Tình trạng kẹt gân ở bao gân sẽ làm ngón tay không di chuyển được, gây trạng thái tê cứng các ngón tay.
Sưng tê cứng ngón tay
Cách chẩn đoán bệnh
Do là vi chấn thương nên các tổn thương gây ra hình thành ngón tay cò súng không thể phát hiện bằng các xét nghiệm cận lâm sàng hay dùng với xương khớp như X-quang, Cắt lớp vi tính (CT),… Để phát hiện được bệnh đơn thuần chỉ dựa vào các triệu chứng và thăm khám lâm sàng của bác sĩ.
Bác sĩ dựa vào lâm sàng để chẩn đoán bệnh
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu bạn cần gặp bác sĩ
Nếu bạn đang làm những công việc phải sử dụng nhiều các động tác ở ngón tay như nha sĩ, đánh máy, thợ may,… hoặc đột nhiên có những triệu chứng sau, bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và điều trị:
- Cứng khớp vào buổi sáng, giảm đi về chiều hoặc khi hoạt động.
- Có tiếng khi di chuyển ngón tay.
- Cảm giác bật khi di chuyển ngón tay.
- Sưng, nóng, đỏ vùng gốc ngón tay.
- Phải nhờ người khác giúp đỡ để duỗi thẳng ngón tay.
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Nơi khám chữa bệnh ngón tay cò súng uy tín
Nếu có bất kỳ các triệu chứng nào kể trên cần đến các chuyên khoa uy tín về cơ xương khớp hoặc phẫu thuật tạo hình để được thăm khám và điều trị.
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương,…
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,…
Khám chữa bệnh uy tín
Các phương pháp chữa bệnh
Điều trị bảo tồn
Lựa chọn các phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ chẩn đoán.
Nghỉ ngơi: không tiếp xúc với các hoạt động sử dụng ngón tay nhiều hoặc các hoạt động sử dụng máy rung để ngăn gây ra những chấn thương nhỏ lên ngón tay. Trường hợp, không thể giảm khối lượng công việc bạn nên sử dụng đệm tay để bảo vệ bàn tay.
Đeo nẹp ngón tay: đeo nẹp ngón tay để giữ cho ngón tay đứng yên, giúp cho gân nghỉ ngơi.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): như paracetamol, ibuprofen,… để giảm các triệu chứng đau.
Tập vật lý trị liệu: tập những bài tập vật lý trị liệu để cải thiện sức khoẻ của ngón tay giảm tình trạng cứng khớp và cải thiện phạm vi chuyển động.
Tiêm corticoid: tiêm corticoid vào vỏ gân có thể giảm các triệu chứng do ngón tay cò súng gây ra. Đây là thao tác chỉ có bác sĩ được thực hiện.
Tiêm corticoid vào gân
Phẫu thuật
Nếu các phương pháp điều trị trên không thành công, có thể phải dùng phẫu thuật để điều trị tình trạng ngón tay cò súng.
Mổ mở: rạch đường nhỏ gốc ngón tay và mổ quanh bao gân, cắt phần gân bị hẹp. Nhược điểm của phương pháp này là phải rạch da và khâu da. Ưu điểm: có thể nhìn thấy các thành phần ở ngón tay, sẽ không tác động nhầm vào thần kinh.
Mổ kín (không cần rạch da): đâm kim khu vực quanh gân, di chuyển kim quanh gân để gân có thể hoạt động dễ dàng. Ưu điểm của phương pháp này là không cần rạch da. Nhược điểm: không thể nhìn thấy các thành phần, có thể phải sử dụng siêu âm.
Thời gian phục hồi sau phẫu thuật là 6 tuần và tay phải đeo nẹp trong 6 tuần.
Phẫu thuật không rạch da
Biện pháp phòng ngừa
Tập các bài tập giúp tay linh hoạt hơn.
Tránh tiếp xúc và làm việc trong thời gian dài với các công việc sử dụng ngón tay nhiều, cần phải kết hợp nghỉ ngơi và hoạt động.
Sử dụng găng tay để bảo vệ tốt cho tay.
Các bài tập giúp tay linh hoạt hơn
Ngón tay cò súng là một bệnh nghề nghiệp hay gặp trong đời sống hiện nay. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức căn bản về bệnh ngón tay cò súng để phòng và điều trị kịp thời. Nếu bạn thấy bài viết hay và hữu ích hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!
Nguồn: Orthoinfo, Nhs, Mayo Clinic, Webmd.